Trang chủ / Trang / Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, Huyện Anh Sơn, Nghệ An

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào, Huyện Anh Sơn, Nghệ An

“Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Đó là câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Trải khắp dải đất hình chữ S thân yêu cũng như trên đất nước Triệu Voi có không biết bao nhiêu địa danh, công trình lưu giữ những chứng tích cho mối quan hệ đặc biệt của hai dân tộc anh em Việt Nam - Lào. Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào là một trong số đó. Điều đặc biệt là di tích này vinh dự được mang tên của cả hai nước.

Cổng Nghĩa trang

Năm 1945 ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4/9/1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 30/10/1945, Chính phủ Lào Ít-xa-la và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức ký kết bản “Hiệp định hợp tác tương trợ Việt - Lào” và quyết định thành lập “Liên quân Lào - Việt” nhằm bảo vệ nền độc lập ở mỗi nước mà hai dân tộc vừa giành được. Hiệp định và quyết định trên là cơ sở pháp lý đầu tiên về mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc với tư cách hai nhà nước.

Ngày 16/5/1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Ban Cán sự hải ngoại của Đảng với nhiệm vụ giúp nhân dân Lào xây dựng phong trào cách mạng, đẩy mạnh kháng chiến ở phía Tây. Ngay sau lễ xuất quân ngày 19/8/1948, Đội liên quân Việt – Lào gồm 240 người, trong đó có 44 người Lào và 196 người Việt Nam đã tiến thẳng đến Bến Giằng (miền Tây Quảng Nam), qua biên giới Việt - Lào vào vùng Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia. Gần 2 năm sau, ngày 30/10/1949, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Quyết định chỉ rõ "Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện".

Trong những năm kháng chiến, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Giúp Bạn là tự giúp mình” và với tình cảm quốc tế trong sáng dành cho nước láng giềng anh em, hàng ngàn quân tình nguyện Việt Nam đã dũng cảm rời quê hương sang nước bạn chiến đấu, không một chút so đo, tính toán.

Trải qua hai cuộc kháng chiến giúp nước bạn Lào chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào đã luôn kề vai, sát cánh và cùng với Bạn, vừa chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào. Các chiến sỹ ta đã coi đất nước Lào như quê hương thứ hai của mình và thực hiện đúng lời Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân Tổ quốc Việt Nam”... Chính vì vậy mà quân tình nguyện Việt Nam đi đến đâu cũng nhận được tình cảm yêu mến của nhân dân Lào.

Trong số hàng ngàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ấy có không biết bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống trên đất nước Triệu Voi. “Mồ hôi, xương máu của chiến sỹ và chuyên gia Việt Nam hòa quyện cùng xương máu, mồ hôi của chiến sỹ và nhân dân Lào góp phần vun đắp, bảo vệ, phát triển tình hữu nghị đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, một quy luật, một nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm thắng lợi cách mạng hai nước, một mẫu mực về mối quan hệ quốc tế trong sáng, một di sản vô cùng quý giá của hai dân tộc” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Để ghi nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh với quân giải phóng Pa-thét chiến đấu bảo vệ 2 đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã cho xây dựng một nghĩa trang đặc biệt mang tên cả 2 Tổ quốc để làm nơi yên nghỉ cho những người lính tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh trên đất nước Lào. Đó là Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào.


Các anh nằm giữa lòng đất Mẹ

Nằm sát quốc lộ 7 đường lên cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào), Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào nằm yên bình giữa trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn, Nghệ An. Với diện tích gần 7 ha, Nghĩa trang liệt sỹViệt – Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976. Đến năm 1982, với tình cảm uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào. Nghĩa trang có 2 khu: Khu A và khu B. Trong đó, khu A gồm 9 lô liệt sỹ với tổng số 5.381 mộ. Khu B gồm có 13 lô mộ liệt sỹ với tổng số 5.219 mộ và một lô mộ tử sỹ có 11 mộ. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.

Hàng năm, đội quy tập hài cốt liệt sỹ thuộc Quân khu IV tổ chức hàng chục đội quy tập trên khắp những ngả đường Trường Sơn, vùng thượng Lào, Sa-va-na-khẹt, ... Những con người một thời hy sinh cho đất Mẹ được trường tồn vĩnh cửu nay hòa tan vào đất Mẹ hay thấm vào nguồn nước của nước bạn Lào. Rất nhiều, rất nhiều người đã không hay biết được tên. Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào hiện có khoảng 6.900 phần mộ chưa rõ tên và quê và 570 mộ có tên, nhưng chưa rõ quê. Trong những ngôi mộ ấy có ngôi mộ có từ thời mới xây dựng nghĩa trang cho đến những ngôi mộ mới nhất, dấu sơn vẫn còn mới. Không biết được các anh là ai, song các anh đã nghỉ lại đây, trên đất Mẹ thân thương.

Tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào, ngoài các liệt sỹ có quê hương từ Nghệ An, còn có rất nhiều các liệt sỹ khác quê ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang… Tất cả các anh đã cùng mang sức trẻ của mình cống hiến cho đất nước Bạn cũng là một cách để bảo vệ đất nước mình.

Từ năm 2008, Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào được tôn tạo và nơi đây đã trở thành chốn đi về của thân nhân liệt sỹ và cũng là địa điểm gần gũi của người dân quanh khu vực. Hàng năm, Ban Quản lý Nghĩa trang đón tiếp hàng vạn khách đến thắp hương thăm viếng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng cho cả hai dân tộc.

Tình cảm keo sơn, gắn bó thủy chung, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cao cả của các liệt sỹ đã được Giáo sư Phan Ngọc thể hiện qua bài phú gồm 408 chữ khắc trên bia đá trong Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào bằng 2 ngôn ngữ Việt - Lào. Trong đó có đoạn:

"Nhân dân Việt Nam

Hào kiệt giống nòi, hiên ngang đất tổ

Hòa bình, độc lập, lẽ sống muôn đời; dân chủ, tự do, ước mơ vạn thuở.

Gặp thời đen tối, hai nước Việt - Lào, ách nô lệ đọa đày; được Đảng sáng soi một cõi Đông Dương đường cứu nguy vạch rõ...

Máu hòa vào máu, Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Thà Khẹt, ta cùng bạn hy sinh; xương lẫn với xương, Át-tô-pơ, Khăm Muộn, Viên Chăn, bạn cùng ta quyết tử.

Tình đoàn kết ấy dòng Cửu Long bao la, nghĩa thủy chung này dải Trường Sơn vững chãi...

Chuyện ghi ở chiều nghĩa trang”.


Tấm bia đá bằng 2 ngôn ngữ Việt - Lào

Cùng với thời gian, những hoạt động của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mãi mãi là biểu tượng cao đẹp, trong sáng về tình đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam hiếm có trong lịch sử quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới đúng như lời của đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản: “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào, đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam; trên mỗi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi, đều có xương máu của các chiến sỹ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi”.

Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào là công trình biểu tượng tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc anh em. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong mỗi làng quê, con phố khắp đất nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Máu đào của các chiến sỹ đã nhuốm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Và không chỉ chiến đấu cho đất nước mình, những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình cho nhiệm vụ quốc tế cao cả, cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng bè bạn...


Dù có tên trên bia đá hay không, các anh cũng mãi mãi
không bao giờ vô danh

Các anh nằm đây giữa lòng đất Mẹ. Dù trên tấm bia đá kia có ghi tên tuổi cụ thể hay chỉ là dòng chữ “Liệt sỹ chưa rõ họ tên” thì các anh cũng không bao giờ vô danh. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng:

"...Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh

Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác

Tổ quốc không đánh mất tên Anh

Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng".

(“Xin đừng gọi anh là liệt sỹ vô danh”, Văn Hiền)